Đánh giá game Andro Dunos 2
Andro Dunos 2 là hậu bản đầy bất ngờ của game shoot ’em up ra mắt trên hai hệ máy Neo Geo MVS (arcade) và Neo Geo AES (console) từ cách đây 20 năm tính đến thời điểm bài viết. Trò chơi được thai nghén bởi Picorine Soft, nhà phát triển của game shmup “chuẩn không cần chỉnh” Infinos Gaiden từng khiến người viết khá hào hứng với trải nghiệm được thiết kế rất cân bằng. Ở góc độ người chơi, phần hậu bản tuy vẫn kế thừa tinh thần của Andro Dunos rất tốt, nhưng có vài điểm trừ nhỏ làm giảm cảm giác hoài cổ của trò chơi.
Nhắc lại một chút về game gốc Andro Dunos. Trò chơi lấy bối cảnh khoa học viễn tưởng đầy hư cấu khi chủng tộc ngoài hành tinh tiến hành các hoạt động xâm lược. Người chơi điều khiển hai phi thuyền chiến đấu Yellow Cherry và Red Fox trong nỗ lực cuối cùng của nhân loại để đánh đuổi giặc ngoại xâm từ vũ trụ. Trong Andro Dunos II, cuộc chiến đó vẫn tiếp diễn nhưng giờ đây chỉ còn phi thuyền Yellow Cherry chiến đấu, còn Red Fox biến mất tăm không cần lý do. Phần chơi hậu bản cũng không còn hỗ trợ co-op mà chỉ có solo.
Ở góc độ người chơi, đây là điểm trừ không hề nhỏ của Andro Dunos 2 so với phần chơi tiền nhiệm. Thậm chí, trải nghiệm game mang cảm giác như bản làm lại hoặc bản Andro Dunos mở rộng hơn là hậu bản. Người viết nhận ra một số màn chơi chính giữa hai game có sự tương đồng khá lớn về thiết kế, chỉ có đồ họa là khác biệt. Mặc dù vậy, trò chơi ghi điểm với chủ đề khá đa dạng trong xây dựng màn chơi. Ban đầu là các trận đánh ngoài vũ trụ nhưng về sau diễn ra ở dưới nước, thậm chí bên trong tàu chiến vũ trụ khổng lồ.
Thiết kế kẻ thù trong Andro Dunos 2 cũng phong phú không kém, giúp giữ trải nghiệm mỗi màn chơi luôn tươi mới. Những trận đại chiến cuối mỗi màn cũng vậy. Trận nào cũng rất hào hứng và không quá thử thách ở thiết lập mặc định Arcade. Tuy nhiên, thiết lập độ khó Android lại là câu chuyện khác. Kẻ thù không chỉ hung hăng hơn mà ngay cả boss cũng có những chiêu thức tấn công mới không dùng tới ở độ khó thấp hơn. Mặc dù vậy, tôi nhận thấy một số boss trong hậu bản có tạo hình tương đồng với boss trong phần chơi đầu tiên.
Lối chơi của Andro Dunos 2 khá quen thuộc nếu bạn từng trải nghiệm bất kỳ game shmup nào trước đây. Điểm khác biệt của series Andro Dunos so với các game cùng thể loại trên thị trường như Gynoug là hệ thống vũ khí của phi thuyền chiến đấu, cho phép bạn chuyển đổi giữa bốn loại vũ khí khác nhau. Có vũ khí bắn cả trước và sau, trong khi có vũ khí có khiên chắn bảo vệ phi thuyền của người chơi trước đường đạn của kẻ thù. Mỗi loại đều có thể nâng cấp độc lập, đi kèm với ưu và khuyết điểm riêng trong từng tình huống chiến đấu.
Chẳng hạn, vũ khí đạn xám có tầm bắn rộng, dễ dàng tiêu diệt cả chùm kẻ thù di chuyển gần nhau. Vũ khí đạn xanh lá thì bắn ra 5 hướng khác nhau, rất hữu dụng trong những tình huống phi thuyền Yellow Cherry bị kẻ thù bao vây ở nhiều hướng. Đặc biệt, mỗi vũ khí còn có “chế độ bắn hủy diệt” đặc trưng với hạn chế lớn nhất là thời gian cooldown sau mỗi lần sử dụng. Chế độ hủy diệt này cũng đi kèm lợi thế và bất lợi nhất định. Cụ thể, kích hoạt nó khiến vũ khí đó tạm thời mất đi mọi nâng cấp chho tới khi hết thời gian cooldown.
Ngoài các thể loại power-up như thường thấy để nâng cấp cho mỗi loại vũ khí, Andro Dunos 2 còn có các quả cầu xanh rơi ra khi bạn tiêu diệt những kẻ thù nhất định. Mỗi màn chơi có tổng cộng 30 quả cầu xanh. Cứ thu thập 10 quả cầu, bạn sẽ được thưởng một lần nâng cấp cho các khía cạnh khác nhau của phi thuyền điều khiển. Thiết kế này đòi hỏi người chơi phải nâng cấp và tận dụng tối đa từng loại vũ khí trong màn chơi mới có khả năng sống sót trước kẻ thù, nhất là khi trải nghiệm game ở thiết lập độ khó Android.
Bên cạnh bảy màn chơi chính, Andro Dunos 2 còn có ba màn chơi thú vị chờ bạn mở khóa. Hai trong số đó là màn chơi Respect, được làm lại từ màn 1 và màn 3 trong phần game đầu tiên. Màn chơi còn lại kỳ thực là chế độ chơi Boss Rush, đưa bạn chiến đấu tính điểm với lần lượt tất cả boss trong trải nghiệm các màn chơi chính vừa đề cập. Chế độ chơi này thử thách ở chỗ bạn không có bất kỳ ‘Continue’ nào ngoài số mạng ít ỏi ban đầu. Đây cũng là chế độ chơi duy nhất giúp mang đến giá trị chơi lại nhất định cho trải nghiệm game.
Khá đáng tiếc khi Andro Dunos 2 lại thiếu bảng xếp hạng trực tuyến, một tính năng quan trọng với không ít người chơi yêu thích dòng game này. Trò chơi cũng có vài điểm trừ nhỏ mà người viết không thể không đề cập. Đó là không có bộ lọc hình ảnh để tạo cảm giác hoài cổ cũng như không cho phép người chơi tùy biến nút bấm, ít nhất là trong hai bản Nintendo Switch và Nintendo 3DS mà tôi trải nghiệm. Người chơi chỉ có thể chọn các thiết lập nút bấm được nhà phát triển cung cấp sẵn, vốn không mấy khác biệt ngoài đảo vị trí các nút bắn.
Cái mà người viết cần là khả năng đổi thiết lập nút bấm cho thao tác chuyển vũ khí khi trải nghiệm game với tay cầm đặc thù, chẳng hạn Arcade Stick. Đáng nói, Andro Dunos 2 phiên bản Nintendo 3DS có hiệu năng không tốt và mắc phải nhiều vấn đề kỹ thuật khá khó chịu. Từ màn hình trải nghiệm bị kéo đầy khung thay vì tỷ lệ 4:3 khiến giao diện game và font chữ nhìn rất xấu, cho tới tốc độ nhịp độ chơi chậm hơn và tốc độ khung hình kém hơn phiên bản Switch cùng nhiều vấn đề khác mà người viết không muốn đề cập.
Sau cuối, Andro Dunos 2 mang đến một trải nghiệm shoot ’em up đặc sắc và kế thừa rất tốt những gì đã tạo nên dấu ấn riêng cho phần chơi tiền nhiệm. Kỳ thực, sự chăm chút của nhà phát triển từ khía cạnh nghe nhìn và các khía cạnh còn lại, biến trò chơi trở thành cái tên không thể thiếu cho thư viện game của bạn.
Andro Dunos 2 hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Nintendo Switch, Dreamcast và Nintendo 3DS.
Andro Dunos II ($ 17.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
from
Treo băng rôn Alphas - cung cấp các dịch vụ in ấn băng rôn, in cờ phướn, thi công backdrop giá rẻ tại Hồ Chí Minh. Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn báo giá miễn phí.
Nhận xét
Đăng nhận xét